Tag Archives: lễ hội ở Nhật

Các lễ hội trong năm của Nhật

 Mặc dầu là nền kinh tế đứng thứ hai trên thế giới, nhưng những lễ hội hàng năm của Nhật Bản vẫn còn như nguyên vẹn. Mỗi mùa đều có những lễ hội khác nhau, mang đậm bản sắc văn hóa và tín ngưỡng của mỗi vùng. Tham gia vào những lễ hội này chúng ta sẽ có dịp hiểu thêm về lịch sử, văn hóa và con người tại đây, cũng như thêm yêu mến đất nước hoa anh đào.

“Hatsumode” là dịp đầu tiên đến đền chùa để cầu nguyện cho sức khỏe, cũng như mong ước những điều may mắn sẽ đến trong năm mới. Những đền chùa nổi tiếng đều chật ních người trong buổi “hatsumode” này, cũng như trong những ngày đầu tiên của năm. Bạn còncó thể rút quẻ để nghiệm thử xem năm nay vận may, sức khỏe, tiền tài, tình yêu…của mình ra sao, nhưng tất cả đều viết bằng tiếng Nhật. Tuy nhiên, nhiều người Nhật cho rằng họ đến đền chùa theo tập tục và truyền thống, hơn là lý do tín ngưỡng. Thường ai cũng ném một đồng xu vào trong một cái thùng đặt giữa cửa của ngôi đền chính tên là “saisenbako”, vỗ tay, và thầm cầu ước.

Ngày 3 tháng 2 hàng năm là lễ “setsubun”, nghĩa là ngày kết thúc mùa đông lạnh giá, tính theo lịch âm. Người Nhật thường mua đậu tương rang và vãi quanh nhà để xua đuổi ma quỷ và đọc “oni wa soko, fuku wa uchi” (tạm dịch: Điều không may thì ra ngoài, hạnh phúc thì vào trong nhà”.

 Tiếp theo phải nói đến là mùa hoa anh đào. Hoa nở chạy dọc từ Okinawa bắt đầu từ cuối tháng 2 cho đến Hokkaido là vào đầu tháng 6, tuy nhiên hoa nở rộ ở nhiều nơi nhất là vào tháng 3-4 hàng năm. Lễ hội Hanami “ngắm hoa” được tổ chức vào dịp này. Bạn có thể thưởng thức một ly rượu sake và ngắm những bông hoa anh đào tuyệt đẹp, với những cánh hoa lơi lả bay trong làn gió còn lành lạnh của đầu xuân. Các công ty, cũng như bạn bè thân, gia đình, thường tổ chức đi ngắm hoa vào dịp này.

 Trước khi mùa hè bắt đầu, những lễ hội được tổ chức ven sông được gọi là “kawabiraki”, và thường bắn pháo hoa “hanabi-taikai”. Người Nhật thường mặc áo kimono mùa hè “yukata” khi tham gia lễ hội.

Ngày 7/7 hàng năm có lễ hội “tanabata”, hay lễ hội vợ chồng chàng Ngâu. Trẻ em Nhật tin rằng những điều ước của mình sẽ trở thành hiện thực nếu viết những lời ước trên những tờ giấy sặc sỡ “tanzaku” và treo lên những cành tre trong dịp này.

Trên đây là một số lễ hội tiêu biểu cho nhiều vùng tại đất nước mặt trời mọc, tuy nhiên có hàng nghìn lễ hội khác nhau được tổ chức hàng năm, tùy theo phong tục truyền thống của mỗi địa phương, mà bạn có thể thấy ở ngay gần nơi mình đang sống và làm việc. Ví dụ có những lễ hội nhảy múa “bon-odori”, mà bạn có thể tham gia cùng với mọi người nhảy trong một vòng tròn, nhịp nhàng với điệu nhạc dân ca “min-yo”.

Có một số lễ hội có cả hàng ngàn người tham gia và diễu hành. Một số lễ hội thì mang tính hiện đại, có dàn nhạc, mô tô hộ tống, với những cô gái xinh đẹp nhảy múa. Tuy nhiên, một số lễ hội mang tính truyền thống, và người tham gia đều mặc các bộ lễ phục có từ xưa. Một trong những lễ hội kiểu này là lễ hội khiêng kiệu “mikoshi”.

  Lễ hội “tori-no-ichi” được tổ chức vào tháng 11 tại các ngôi đền. Bạn có thể mua một thứ mang lại điều may mắn như “kumade” (hay cái cào), hoặc “otafuku” (một mặt nạ phụ nữ đang cười). Vào dịp cuối năm, truyền thống làm bánh nếp “mochizuki” được tổ chức tại nhiều nơi công cộng, đền chùa, vườn trẻ, hoặc tại nhà. Đôi khi có tai nạn xảy ra với người già, khi nuốt bánh nếp và gây tắc thở, mà báo chí năm nào cũng đưa tin vài vụ.

Trong đêm giao thừa “omisoka”, những hồi chuông gióng giả sẽ được ngân lên khi năm mới đến. Kiểu gióng chuông này được gọi là “joya no kane”, nếu may mắn, bạn sẽ được phép gióng chuông tại chùa trong dịp này.

Việt SSE

Lễ hội tại Nhật Bản

1. Lễ hội mùa xuân ở Kyoto

Tại cố đô Kyoto (Ki-ô-tô) của Nhật, có hai lễ hội mùa xuân rất đáng chú ý. Trong đó, lễ hội Aoi (hay còn gọi là lễ hội cây thục quì), diễn ra vào ngày 15-5 hàng năm. Lễ hội Aoi được cho là một trong những lễ hội xưa nhất thế giới, có từ khoảng giai đoạn Heian, thế kỷ thứ 6 sau Công nguyên. Tên của lễ hội được gọi theo những chiếc lá sẫm màu láng bóng của Aoi (cây thục quì), loại cây dùng trang trí trong thời gian lễ hội. Lá cây thục quì được cho là để bảo vệ chống lại thiên tai.

Lễ hội Aoi gồm hai phần: quá trình cử hành và nghi lễ linh thiêng. Phần lớn lễ hội là cuộc diễu hành chậm rãi và trịnh trọng của 2 xe bò, 4 con bò cái, 36 con ngựa và 600 người trong trang phục truyền thống nhiều màu sắc của hoàng gia. Nhiều nhân vật sử thi như Saio-Dai (Xai-ô Dai), công chúa thời Heian, được thể hiện trong suốt buổi lễ. Cũng có những sứ giả của triều đình và những người đi theo họ, cùng với binh lính, cận vệ, chiến sĩ, cận thần và furyu-gasa ( là những chiếc dù to lớn được trang trí bằng hoa giả).

Phần đầu của lễ hội gọi là roto-no-gi (rô-tô nô-gi), là một cuộc diễu hành hướng về hai địa điểm linh thiêng: điện thờ Shimmogamo (Si-mô-ga-mô) và Kamigamo (Ca-mi-ga-mô). Ở mỗi điện thờ, người ta đều cử hành nghi lễ shato-no-gi (sa-tô nô-gi). Đoàn diễu hành bắt đầu khoảng 10 giờ 30 sáng, từ cung điện hoàng gia và hướng về điện thờ Shimogamo, nơi những nghi thức lễ khai mạc được cử hành. Sau đó, họ tiếp tục chuyến hành trình vào giữa trưa để thực hiện phần nghi lễ cuối cùng. Đoàn diễu hành thu hút hàng ngàn người xem khi họ đi qua thành phố.

Lễ hội thứ hai là Mifune (Mi-phu-nê, hay là lễ hội 3 thuyền). Lễ hội này diễn ra vào ngày chủ nhật của tuần thứ 3 trong tháng Năm, địa điểm tại Arashiyama (A-ra-si-da-ma), gần Kyoto. Lễ hội này nhằm kỷ niệm thời kỳ Nhật còn trị vì. Người ta dùng đến khoảng 30 chiếc thuyền rồng cho buổi lễ. Những đội tàu nhỏ làm lễ chèo ngược dòng, chở những người trong trang phục thời Heian (Hây-an), có thuyền hoàng gia dẫn đầu. Những chiếc thuyền khác tập trung vào những hoạt động như múa, nhạc, trà đạo và làm thơ. Có thuyền chở những nhạc công, nghệ sĩ múa diễn những trích đoạn kịch Noh (kịch No, rất nổi tiếng của Nhật) và đọc thơ Nhật hay Trung Quốc. Gagaku (Ga-ga-cu), một loại nhạc truyền thống chuẩn, trau chuốt và thanh nhã của Nhật, được biểu diễn trên thuyền rồng. Người xem có thể thuê những chiếc thuyền có bàn đạp hay máy chèo để đến gần xem. Có hàng ngàn người đứng dọc hai bên bờ sông xem lễ. Cũng giống như những lễ hội khác, lễ hội “3 thuyền” nhằm thể hiện sự trân trọng của người Nhật đối với di sản đất nước, đồng thời khẳng định tính kế thừa liên tục và nề nếp cuộc sống.

2. Lễ hội Nagoya

Nhât Bản là một đất nước rất tự hào về những giá trị truyền thống lịch sử.Một trong những lễ hội đầy màu sắc mà dân Nhật trông ngóng hằng năm là lễ hội Nagoya được tổ chức vào tuần thứ 3 của tháng 10. Lễ hội bắt đầu bằng cuộc diễu hành của những toán thanh thiếu niên mặc trang phục của các chiến binh Nhật thời cổ; những chiếc thuyền hoa trang trí các hình chạm khắc và thêu tay đặc sắc.

Rồi đến những chiếc xe kết hoa tươi ,những tốp vũ công và các thanh niên cáng Mikoshi-ngai vàng di động của thần Shinto.Ngự trên một trong những Mikoshi là con voi vàng Shachihoko-tượng trưng cho thành trì Nagoya.700 nam nữ hóa thân thành những nhân vật lịch sử,với sự góp sức từ các câu lạc bộ địa phương, trường học, ủy ban và các tổ chức Xã hội. Cuộc trình diễn vĩ đại nhất trong lễ hội là sự tái hiện hình ảnh những vị anh hùng dân tộc lịch sử. Hideyoshi,Nolunaga và Ieyasu là những danh nhân có công đưa những vị lãnh chúa phong kiến hiếu chiến vào tổ chức hợp nhất dưới tinh thần võ sĩ đạo Tokugawa Shogunate vào cuối thế kỷ XVI. Hơn 2 triệu du khách,chủ yếu đến từ các vùng phụ cận Nagoya tham dự lễ hội này,tạo thành một cuộc biểu dương văn hóa dài 6 km.

3.Lễ hội Dosojin

Mỗi một nền văn hóa có một số tập tục khác nhau để xua đuổi những điều không may.. Ở Mỹ, người ta ném một nhúm muối qua vai của mình hoặc là xoa lên một cái chân thỏ để xua đi những điều xui xẻo. Nhưng tại một thành phố ở nước Nhật, việc xua đuổi những linh hồn quỷ dữ lại bao gồm nhiều nghi thức phức tạp có từ thời xưa với những trận hỗn chiến và các ngọn đuốc cháy sáng. Họ đánh nhau như những chiến binh thực sự trong các trận chiến thời xưa. Những người tấn công vung các ngọn đuốc đang cháy sáng lên và đánh vào một ngôi đền được coi là linh thiêng. Nó được canh giữ bởi những người giữ đền với vũ khí tự vệ chỉ là các cành cây phong. Ðây là một phần trong một lễ hội diễn ra hằng năm ở làng Zonawa, trên một vùng cao nguyên của nước Nhật, lễ hội Dosojin. Bắt đầu từ thế kỷ thứ 8 sau công nguyên, lễ hội kỳ lạ này đã được tổ chức để bày tỏ lòng tôn kính vời các thần Dosojin, vốn được tin là có khả năng bảo vệ dân làng khỏi các thế lực quỷ dữ như thiên tai và bệnh dịch.

4. Lễ hội Nebuta ở Nhật Bản

Lễ hội này diễn ra vào đầu tháng 8 hàng năm và là lễ hội tưng bừng nhất của Nhật Bản. Trong lễ hội, người ta làm những chiếc đèn lồng khổng lồ mang đủ hình thú vật, chủ yếu là hình rồng – Phượng. Những chiếc đèn này được rước đi trên đường phố cùng với các vũ công ăn mặc rực rỡ biểu diễn âm nhạc. Sau lễ hội, họ cũng chọn ra chiếc đèn lồng đẹp nhất để lưu lại tại chùa Nebuta – Nosato.

5. Lễ hội truyền thống Uesugi

Ngày 05/5, tại thành phố Yonezawa, tỉnh Yamagata, Nhật Bản đã diễn ra lễ hội truyền thống tại đền Uesugi và Matsugasaki. Nét đặc sắc của lễ hội là hàng ngàn người tình nguyện đã hóa trang và diễn lại cảnh đánh trận giữa các lãnh chúa thời phong kiến. Cảnh đánh trận giả này được coi là một nét văn hóa giúp thế hệ hôm nay hiểu được nếp sinh hoạt, bối cảnh xã hội xưa.

6. Lễ hội Tanabata

Một trong số những lễ hội đẹp được tổ chức tại Nhật Bản, có một lễ hội lãng mạn nhất đó là Lễ hội Tanabata, hay còn gọi là Lễ hội sao (Star Festival) kể chuyện về người con gái đã dệt nên dải Ngân Hà, được tổ chức hàng năm vào ngày 7 tháng 7 dương lịch.

Theo truyền thuyết Trung Hoa, trong ngày này, hai ngôi sao Altair và Vega ở hai đầu của dải Ngân Hà sẽ được trùng phùng.

Truyện kể lại rằng, Ngọc Hoàng Thượng Đế có một người con gái được Người rất yêu chiều tên là Tanabata-tsume (Orihime) chuyên dệt lụa. Một ngày kia, khi nhìn thấy một gã chăn bò rất đẹp trai tên là Hikoboshi đi ngang qua, nàng đem lòng si mê gã điên cuồng. Cha nàng bèn gả nàng cho chàng trai chăn bò. Hai người quá say mê nhau nên suốt ngày chỉ rong chơi và chẳng chịu làm gì cả, người con gái bỏ quên cả khung cửi còn con bò của chàng trai thì lang thang khắp nơi ở trên trời.

Các vị thần rất bất bình và bắt phạt họ phải sống tận hai đầu của dòng sông Ngân. Mỗi năm một lần, họ chỉ được phép gặp nhau vào ngày bảy tháng bảy hàng năm, cho bầu trời trở nên quang đãng. Nếu trời mưa, thì có nghĩa là dòng sông trên bầu trời dâng nước quá cao và những con chim không thể cùng nhau bắc cầu cho chàng trai và cô gái gặp nhau được.

Vào ngày này hàng năm, rất nhiều những cành tre tươi được trang trí bằng những mảnh giấy nhiều màu sắc có ghi những điều nguyện ước của mọi người được treo khắp nơi ở Nhật Bản. Nhiều đôi lứa đang yêu cũng tới các đền thờ (Shrine) để cầu nguyện, mong tìm thấy ý trung nhân.

Lễ hội Tanabata ở Nhật cũng có nguồn gốc gần giống như “Tết Trung Nguyên” – rằm tháng bảy ở Việt Nam mà gắn liền với sự tích Ngưu Lang – Chức Nữ.

nguồn vuson.vn

Hina Matsuri-Lễ hội búp bê

Ngày 3/3 là ngày Hina Matsuri. Một lễ hội đặc biệt dành cho các bé gái được tổ chức vào những ngày cuối Đông sắp sang Xuân
Nguồn gốc của Hina Matsuri:

Từ xa xưa, ở Nhật Bản đã có tập quán làm sạch cơ thể để xua đuổi những điều không may mắn vào những lúc giao mùa. Nguồn gốc của tập quán này bắt nguồn từ 1 lễ hội tương tự của Trung Quốc cũng bắt đầu vào tháng 3. Vào ngày này người ta sẽ làm những con búp bê hình người để gửi những điều rủi ro hay bệnh tật vào đấy và mang ra sông thả trôi đi (流しひな).

Ngày nay, Hina Matsuri trở thành 1 dịp cho cả gia đình tập hợp cùng ra ngoài và tận hưởng khí trời khi mùa xuân mới sắp về.

Búp bê Hina

Vào ngày Hina Matsuri, để cầu phúc và may mắn cho những bé gái trong gia đình, người ta sẽ trang trí Búp bê Hina. Búp bê Hina là một loại búp bê đặc biệt rất xinh đẹp và là biểu tượng cho vua và hoàng hậu cùng những cận thần.

Búp bê Hina là những vật trang trọng, được truyền từ đời này sang đời khác qua nhiều thế hệ. Chúng được trưng bày trong căn phòng đẹp nhất của gia đình một vài ngày trong kỳ lễ hội và sau đó được cất giữ cẩn thận trong hộp cho đến kỳ lễ hội của năm sau. Trong những gia đình khá giả, bố mẹ cũng thường mua tặng cho con gái mới sinh của họ một bộ búp bê để chuẩn bị cho ngày Hina Matsuri

Một bộ búp bê Hina gồm có ít nhất 15 con trong trang phục truyền thống. Đứng đầu là Dairi-sama (内裏様) tương trưng cho hoàng đế và hoàng hậu được phục trang bằng những bộ quần áo đắt tiền nhất bằng vải tơ tằm. Chúng được hộ tống bởi 2 búp bê đại tướng (右大臣và 左大臣, còn được gọi là Zuishin, 随身và 3 búp bê nữ cận thần (三人官女).

Hai đại tướng là người đi theo bảo vệ hoàng đế. Nhìn về hướng phải là 左大臣là một vị tướng lão thành, còn nhìn về hướng trái là 右大臣, một vị tướng trẻ. Ba vị nữ cận thần là những người dạy đàn, hát và dạy học cho công chúa. Nếu nhìn kỹ bạn sẽ thấy có 1 vị không có chân mày. Theo tập quán xưa, phụ nữ khi đã lấy chồng sẽ cạo lông mày và nhuộm răng đen nên vị cận thần này có lẽ là vị cao tuổi nhất.

Ở hàng tiếp theo là 5 nhạc công goninhayashi (五人囃子) và hàng cuối cùng là 3 người chuyên làm tạp dịch, có các gương mặt giận, buồn và cười thể hiện tình cảm rất phong phú.

Các tập tục trong ngày Hina Matsuri:

Ngày Hina Matsuri là một trong số rất ít những dịp mà các bé gái Nhật có được những buổi tiệc riêng dành cho chúng. Đó là dịp các bé gái có thể mời bạn bè đến nhà cùng thưởng thức những món ăn và bánh kẹo được dâng cho các búp bê. Có lúc các bé cũng tự mình chuẩn bị nhửng món ăn đó. Chúng cùng uống rượu ngọt Shirozake, ăn bánh hishi-mochi và các loại kẹo trái cây, xôi đỗ – sekihan, các loại thạch v.v.. Các món ăn đều đuợc cho các màu sắc phong phú màu xanh, hồng, trắng và được chế biến từ các loại lá cỏ tốt cho sức khỏe nhằm xua đuổi bệnh tật

Trong ngày này người Nhật thường chưng hoa đào nên Hina Matsuri còn có tên là Momo-no-sekku (Lễ hội hoa đào). Hoa đào tượng trưng cho cuộc hôn nhân hạnh phúc, là biểu tượng không thể thiếu trong ngày lễ này. Ngoài ra hoa đào còn là biểu tượng cho những đức tính của người phụ nữ : điềm tĩnh, nhẹ nhàng, ôn hòa, quý phái.

Ngày nay, mỗi năm đến dịp Hina-matsuri, các gia đình Nhật vẫn giữ truyền thống trang trí búp bê. Những con búp bê gia truyền được người Nhật trân trong và các cô dâu khi về nhà chồng cũng được cho mang theo như một bảo vật hộ mệnh của gia đình.

nguồn vuson.vn